Hiển thị các bài đăng có nhãn hoc-tieng-duc-hay. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn hoc-tieng-duc-hay. Hiển thị tất cả bài đăng

Học tiếng Đức nên bắt đầu từ đâu

Người Đức khi dạy chúng ta học ngôn ngữ của họ phần lớn họ dạy rất chi tiết, vốn đó cũng là bản tính của người Đức. Nhưng một ngôn ngữ có rất nhiều chi tiết phải nhớ nên hay xảy ra tình trạng người học bị rối loạn. Học mà không biết mình học cái đó ở mục nào và nhất là để sử dụng trong tình huống nào. Đa số chúng ta không biết những thuật ngữ về văn phạm nên đến một chừng mực nào đó rất dễ bị lẫn lộn. Thêm nữa do tính tỉ mỉ của họ nên đôi khi họ phân biệt quá ư chi tiết, chỉ hơi có sự khác biệt là họ đã phân ra một loại riêng. Nhiều khi để nhớ tên những chủng loại đó còn vất vả hơn là nhớ đến vấn đề chính: Học tiếng Đức hay là học phân loại?


Ví dụ: Câu phụ trong tiếng Đức được phân chia làm 12 loại khác nhau với những tên gọi rất trìu tượng khó nhớ. Trong khi vị trí của câu phụ so với câu chính chỉ có 3 khả năng: đứng trước, đứng sau và đứng giữa câu chính. Theo chúng tôi đối với người mới học tiếng Đức chỉ nên nhớ 3 vị trí cơ bản đó, sau này khi đã có một số vốn kha khá chúng ta mới nên đi sâu hơn. Nhưng chúng tôi vẫn chưa hiểu là nhớ tên và phân loại kỹ như thế để làm gì?
Theo chúng tôi nếu được bắt đầu học lại tiếng Đức thì chúng tôi sẽ lựa chọn trình tự sau:
1) Phát âm và đọc
Đây là đặc điểm dễ chịu nhất cho người Việt Nam học tiếng Đức. Vì chúng ta là dân tộc duy nhất ở châu Á sử dụng bộ chữ La tinh (A, B, C…) nên chúng ta có thể đọc tiếng Đức tương đối dễ dàng. Dĩ nhiên là có sự khác biệt giữa hai ngôn ngữ khi phát âm nhưng nhìn chung thì tương đối giống nhau. Theo chúng tôi ngay từ đầu chúng ta phải tập phát âm ngay vì như thế mỗi khi nhìn thấy một từ tiếng Đức mới dù chưa hiểu nghĩa nhưng do đọc được chúng ta đã sở hữu được 20% từ đó. Sau này khi có điều kiện ta tra cứu lại thì từ đó sẽ nhớ được rất lâu. Thêm nữa nếu có đọc tốt thì mới hiểu (nghe) tốt được. Đây là bước quyết định thành hay bại trong khi học tiếng Đức của bạn. Vì thế ngay từ đầu nên chú trọng đến nó.


2) Chia động từ
Khác với tiếng Việt động từ tiếng Đức phải chia mới dùng được. Văn phạm và cấu trúc câu trong tiếng Đức hoàn toàn phụ thuộc vào động từ. Nếu ta không chia động từ thì sẽ không nói thành câu cú được. Mà không nói bật ra được thì dù có chăm học đến đâu rồi cũng sẽ bị quên đi. Đây cũng là ngưỡng cửa khó cho người mới học tiếng Đức, nhưng thực ra nó có qui tắc hẳn hoi và những qui tắc đó cũng tương đối dễ học.
3) Đặt câu đơn giản (einfache Sätze, Satzgrammatik)
Đầu tiên chỉ đặt câu đơn giản nhất thời hiện tại (Präsens) với 3 thành phần cơ bản: chủ ngữ (Subjekt), vị ngữ (Prädikat) và 1 thành phần bổ sung vị ngữ (Objekt). Sau khi đặt những câu này hãy tập nói, qua đó tạo cảm giác khi chia động từ. Nếu không nói bật ra được thành câu cú thì chúng ta sẽ bị quên ngay. Chính vì vậy mà có nhiều người rất chăm học, nhưng rồi lại đâu vào đó. Học để quên ư…?


4) Học thời trong tiếng Đức
Tiếng Đức cũng như tất cả các thứ tiếng khác bao giờ cũng chỉ có 3 thời: Quá khứ, hiện tại và tương lai. Mỗi thời này lại được chia làm hai nên tổng cộng chỉ có 6 thời để nhớ. Nếu so sánh về thời với tiếng Anh thì tiếng Đức dễ hơn nhiều vì tiếng Anh có tổng cộng 13 thời. Sau khi học thời nên sử dụng ngay những câu đơn giản trên luyện theo thời để nói. Như thế chúng ta có một sự hình dung tương đối cụ thể sự biến hóa cũng như ý nghĩa của một câu nói.


5) Động từ tiếng Đức
Khi đã có thể nói được những câu đơn giản theo thời một cách tương đối chắc chắn thì sẽ dần dần học thêm về 10 loại từ trong tiếng Đức (Wortarten, Wortgrammtik). Nên bắt đầu nghiên cứu kỹ về động từ tiếng Đức vì động từ tiếng Đức là linh hồn của một câu nói (Satzaussage, Satzkern). Cũng vì thế ngay từ đầu nên chú trọng học động từ vì học danh từ xong khi nghe ta có thể hiểu và thậm chí sử dụng ngay được nhưng học động từ xong vẫn chưa chắc hiểu chính xác được câu nói. Và để sử dụng động từ thì bao giờ cũng phải có luyện tập. Thêm nữa động từ tiếng Đức rất phong phú và đôi khi rất trìu tượng. Có rất nhiều động từ ta không thể dịch hết nghĩa được một cách ngắn gọn mà phải trình bầy rất dài dòng bằng tiếng Việt. Động từ sau này sẽ là thước đo trình độ tiếng Đức của bạn.

6) Học cấu trúc của câu phụ đơn giản (einfache Nebensätze)
Câu phụ trong tiếng Đức luôn phải đi chung với câu chính, khi ta muốn đặt câu phụ thì trước đó phải biết đặt câu chính, mà câu chính đơn giản chúng ta đã học ngay từ đầu. Tức là đến đây chúng ta đã chuyển dần từ câu đơn giản sang câu phức hợp. Hình thức đã là câu phức nhưng nội dung nên chọn càng đơn giản càng tốt.

7) Học các loại từ còn lại và những thành phần câu (Wortarten, Satzergänzungen)
Đây mới chính là sự phấn đấu gian khổ nhất khi học tiếng Đức. Nhưng bạn cứ yên tâm, chúng tôi sẽ tìm mọi cách để trình bầy một cách đơn giản ngắn gọn nhất. Sẽ tìm mọi cách để cụ thể hóa bằng cách liệt kê. Đầu tiên chúng ta phải hiểu lý thuyết, sau đó sẽ tìm những bảng liệt kê đó để tìm cách nhớ lại chúng.
Nói đến trí nhớ chúng tôi cũng có vài lời từ kinh nghiệm của bản thân: Đôi khi do có quá nhiều thuật ngữ mới phải học, quá nhiều khái niệm trìu tượng nên dù có cố đến đâu chúng tôi cũng có cảm giác mình không kham nổi, thậm chí còn có những nghi ngờ về khả năng trí tuệ của bản thân. Nhưng sau một thời gian chuyển sang làm việc khác, đến một lúc nào đó lại có hứng xem lại thì thấy sự việc không còn phức tạp như trước nữa và mọi việc có vẻ dễ hơn đi. Qua đó chúng tôi càng thấm thía lời nói của người xưa: Cái chính là không bỏ cuộc. (Hauptsächlich nicht aufgeben.)